Lịch sử Đại_(nước)

Thị tộc Thác Bạt nguyên là bộ lạc du mục tại Vân Trung (đông bắc huyện Thác Khắc Thác, Hô Hòa Hạo Đặc, Nội Mông Cổ). Năm Cam Lộ thứ ba (năm 258) thời Tào Mao, thủ lĩnh thị tộc Thác Bạt Lực Vi (拓跋力微) dời đến Thịnh Lạc, tập hợp lực lượng và làm tù trưởng bộ lạc, nhưng khi ông chết thì bộ lạc tan rã. Năm Nguyên Khang thứ năm (năm 295) thời Tấn Huệ Đế, con Lực Vi là Thác Bạt Lộc Quan (拓跋禄官) thống nhất lại bộ lạc, chia ra thành 3 bộ (Trung, Đông và Tây) và tự mình trực tiếp cai quản Đông bộ. Năm Vĩnh Gia thứ nhất (năm 307), Lộc Quan chết, em trai là Thác Bạt Y Lư (拓跋猗卢) lên thay thế, tổng quản ba bộ, có lực lượng kị binh trên 400.000 người.

Tên gọi "Đại" bắt nguồn khi Thác Bạt Y Lư được nhà Tấn phong làm Đại Công (代公) vào năm 310 như là phần thưởng cho việc giúp đỡ Lưu Côn (劉琨), Thứ sử Tinh châu (并州), trong các cuộc chiến chống lại quốc gia của người Hung NôHán Triệu. Vùng đất phong sau này được nâng từ Công quốc lên thành Vương quốc vào năm 315 khi Y Lư được phong vương.

Năm Hàm Khang thứ tư (năm 338) thời Tấn Thành Đế, Thác Bạt Thập Dực Kiền (拓跋什翼犍) kế nghiệp. Do ông đã từng là con tin nhiều năm tại kinh đô của Hậu Triệu tại Tương Quốc (nay là Hình Đài, Hà Bắc) nên đã chịu nhiều ảnh hưởng của người Hán và áp dụng các thể chế của họ vào công cuộc cai trị bộ lạc của mình. Ông đặt ra các chức quan, định luật lệ; vì thế Đại từ hình thức liên minh bộ lạc đã chuyển sang hình thức nhà nước. Năm Kiến Quốc thứ ba (năm 340), ông định đô tại Thịnh Lạc, phát triển nông nghiệp để phần nào tự túc lương thực. Năm Kiến Quốc thứ 39 (năm 376), Phù Kiên của Tiền Tần xuất quân đánh Đại. Thập Dực Kiền thua chạy, sau bị giết, nước Đại tan rã.

Năm 386, Thác Bạt Khuê tái lập nước Đại, cùng năm đổi tên thành Ngụy, sử gọi là Bắc Ngụy.